HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG CHO CÂY THANH LONG
Bình Thuận có diện tích thanh long khoảng hơn 27 ngàn ha, tập trung ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… sản lượng thu hoạch 277.079 tấn. Tuy nhiên, thời gian qua, hiệu quả sản xuất thanh long Bình Thuận vẫn chưa cao, sản phẩm làm ra chất lượng vẫn còn thấp, việc xuất khẩu đến các thị trường khó tính vẫn còn nhiều gian nan.
Để phát triển cây thanh long, Bình Thuận quy hoạch diện tích trồng thanh long đến năm 2020 đạt 28.000 ha, năng suất 28 tấn/ha, sản lượng đạt 750.000 tấn. Đến năm 2025, sẽ mở rộng diện tích lên 30.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha, sản lượng trên 850.000 tấn. Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, Bình Thuận định hướng phát triển thanh long trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển thanh long theo hướng tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn GAP. Chú trọng đầu tư phát triển về bảo quản, sơ chế, chế biến thanh long để nâng cao giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh, đa dạng sản phẩm và thị trường tiêu thụ.
Sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP
Ngày 20/4/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1081/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai 3.000 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh. Triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh quyết liệt thực hiện nhiệm vụ sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP.
Qua đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh nhận thấy rõ được ý nghĩa của Chương trình sản xuất theo VietGAP nên đã tự nguyện đăng ký tham gia hoạt động và thực hiện đúng các yêu cầu để được đánh giá chứng nhận VietGAP. Đến tháng 9/2017, diện tích thanh long được chứng nhận nhận VietGAP là 7.930 ha, chiếm khoảng 30% diện tích thanh long toàn tỉnh, với hơn 9.000 hộ nông dân tham gia và hình thành được 382 tổ hợp tác, nhóm liên kết và trang trại.
Việc sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP bước đầu đi vào thực chất; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm thanh long Bình Thuận, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, góp phần cải thiện môi trường sản xuất; giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sự phát sinh, gây hại của các loại sâu bệnh cho cây trồng; làm tăng uy tín và chất lượng đối với sản phẩm thanh long Bình Thuận.
Thanh long leo giàn: Thay đổi tập quán sản xuất truyền thống
Bên cạnh việc trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình trồng thanh long leo giàn đang được nhiều trang trại, nhiều hộ nông dân triển khai.
Thay vì trồng thanh long từng trụ như cách làm truyền thống, hiện nay nhiều trang trại, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi sang kiểu trồng thanh long giàn. Đây là kiểu làm mới không chỉ giúp nông dân tiết kiệm diện tích đất, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất mà còn mang lại năng suất cao.
Theo truyền thống trước đây, thanh long được trồng theo từng trụ riêng lẻ, trụ cách trụ 3m, hàng cách hàng 3m. Mỗi một ha đất có thể trồng khoảng 1.000 trụ thanh long. Tuy nhiên với cách trồng giàn, khoảng cách giữa các trụ bê tông được rút ngắn còn 1,5 - 2m, ở giữa các trụ có thêm một trụ phụ bằng sắt hoặc tre. Một đường dây cáp dài nối các đầu trụ với nhau, giúp cành thanh long leo thành giàn. Mỗi giàn cách nhau từ 3 - 4m. Theo kiểu này, mỗi ha đất có thể trồng từ 2.000 - 2.500 trụ thanh long.
Theo đánh giá của trang trại thanh long Bình An (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) và trang trại thanh long của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Đông Á (huyện Bắc Bình), việc trồng thanh long leo giàn không chỉ tận dụng được diện tích đất tối đa để sản xuất, trồng theo phương pháp giàn thuận lợi cho việc chăm sóc, vệ sinh vườn, thu hoạch trái và tiết kiệm nước tưới. Hơn hết, thanh long giàn tạo điều kiện để cơ giới hóa trong sản xuất, hạn chế nhân công lao động như: Sử dụng máy cày để bón phân hữu cơ, sử dụng máy phun thuốc, máy cắt cỏ… đồng thời có thể trồng xen canh các cây trồng khác trên diện tích giữa các giàn. Mặc khác, thanh long giàn còn cho số lượng cành và trái nhiều hơn gấp 3 lần so với trước đây, năng suất bình quân khoảng 60 tấn/ha, tăng gấp đôi so với thanh long từng trụ kiểu truyền thống.
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao toàn diện, tỉnh Bình Thuận hình thành vùng sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao với quy mô 10.000 ha, tại hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha tại huyện Bắc Bình. Việc đẩy mạnh sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao sẽ mở ra một hướng đi mới cho cây thanh long Bình Thuận, đáp ứng việc nâng cao giá trị sản phẩm thanh long tỉnh nhà, bảo đảm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
-------------------------------------------------------------------------------------------------
Cần hỗ trợ tư vấn thông tin chi tiết vui lòng liên hệ theo địa chỉ bên dưới
Tel: Ms.Linh 0905.927.699
Mail: huynhlinh.vietcert@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét